Người đưa bánh pía xuất ngoại

Cập nhật: 15-01-2019 09:02:44 | Tin tức sự kiện | Lượt xem: 7005

Từ chỗ sửa xe đạp, làm tạp vụ không công cho cơ sở làm bánh, Thái Tuấn đã lầm ra bánh pía, trung thu, bánh in, lạp xưởng..., không chỉ tiêu thụ trong nước, mà còn bán sang tận Hoa Kỳ, Canada...

Ngày 22/8/2007, tại khu công nghiệp An Nghiệp của tỉnh Sóc Trăng, đã khánh thành nhà máy sản xuất bánh pía-lạp xưởng lớn nhất tỉnh này của Cty TNHH Chế biến thực phẩm bánh pía-lạp xưởng Tân Huê Viên (Tân Huê Viên).

Nhà máy được trang bị máy móc nhập từ Đài Loan, tổng kinh phí xây dựng khoảng 16 tỷ đồng. Ông chủ của nhà máy, Giám đốc Tân Huê Viên là anh Thái Tuấn.

Từ sửa xe đạp
Tuấn kể, anh sinh năm 1968 trong một gia đình nghèo ở thị xã Sóc Trăng. Năm 12 tuổi, Tuấn đã phải rời trường học để sửa xe đạp kiếm tiền phụ giúp gia đình.

Hết sửa xe, Tuấn xin làm tạp vụ không công cho một cơ sở sản xuất bánh pía ở cái nôi của loại bánh đặc sản nổi tiếng này: Vũng Thơm, xã Phú Tâm (Mỹ Tú, Sóc Trăng) cách nhà mấy chục cây số. Tuấn được chủ nuôi cơm hàng ngày chứ không được trả lương vì mới 14 tuổi.

Trong công việc quần quật suốt ngày, Tuấn cứ suy nghĩ: Phải làm gì đấy để thay đổi cuộc đời chứ chẳng lẽ làm thuê mãi? Tuấn chú tâm vào công việc, một năm sau được chủ giao cho công việc trộn nhân bánh. Công việc này rất vất vả, không kể ngày đêm, nhưng là khâu quan trọng nhất trong nghề làm bánh trung thu.

Tuấn lại nghĩ: Người ta làm được, tại sao mình không làm được chứ? Vậy là Tuấn âm thầm chuẩn bị cho ước mơ của đời bằng việc làm không quản ngại vất vả, quyết chí học bằng được bí quyết nghề làm bánh.

Ước mơ có, nghị lực cũng thừa nhưng thiếu...vốn. Tiền chắt bóp dành dụm bao năm chỉ đủ mua một tấm nhôm, một con dao. Khi người anh lập gia đình, Tuấn đánh bạo hỏi mượn anh toàn bộ số tiền mừng lễ cưới của anh để làm vốn mua nguyên liệu như bột, đường, đậu... để  sản xuất bánh. Thương em, người anh đồng ý.

Thái Tuấn quá nghèo nên tự tay làm lấy khuôn bánh. Chỉ một khúc gỗ cùng con dao phay, Tuấn hì hục đẽo gọt suốt mấy ngày đêm đã có được những chiếc khuôn bánh như ý. Cho đến hôm nay, mọi khuôn bánh của nhà máy vẫn do Tuấn tự tay làm. Hôm tôi đến, Tuấn đang ngồi bên thùng đồ nghề… của thợ mộc.

Cũng nhờ bàn tay tài hoa, không ngại khó, không ngại vất vả dù đã giàu nên chuyện Tuấn làm khuôn bánh lại được nhiều người biết, nhiều chủ lò bánh ở địa phương cũng tìm đến nhờ anh làm khuôn bánh. Và, Tuấn cũng vui vẻ làm mà không hề giấu giếm. Cũng vì thế mà nhiều người rất thích Tuấn.

Thuở ban đầu, làm được bánh, Tuấn mang ra chợ ngồi bán. Bánh của Tuấn, ai ngửi cũng khen thơm, ai nếm cũng khen ngon nhưng đều chê... giá cao. Tuấn lo quá, cứ mang đi mang về không khéo “mang nợ”.

Có lúc Tuấn tính “làm loại bánh giá rẻ như mọi người để dễ bán”. Nhưng, lúc đó, cha anh, vốn là người rất trọng chữ tín khuyên Tuấn phải kiên trì, không thể nóng vội, chấp nhận lỗ thời gian đầu, tiếp tục làm bánh có chất lượng cao để tạo thương hiệu, không nên “ăn xổi ở thì”.

Được tiếp thêm sức mạnh, một mặt Tuấn ra sức tính toán tiết kiệm chi phí, mặt khác tìm cách giới thiệu sản phẩm rộng rãi hơn. Nỗ lực của Tuấn đã được đền đáp, thương hiệu bánh Tân Huê Viên được nhiều người biết đến, sản lượng bánh làm ra ngày mỗi tăng.

Thành ông chủ
Hiện nay, sản phẩm của Tân Huê Viên gồm cả bánh pía, trung thu, bánh in, lạp xưởng hơn 300 tấn/năm, không chỉ tiêu thụ trong nước còn bán sang tận Hoa Kỳ, Canada,...

Năm 1992, cơ sở của Thái Tuấn đã làm giới chủ lò bánh ở Sóc Trăng “sốc” khi chuyển từ mô hình sản xuất theo mùa sang sản xuất quanh năm. Tuấn nói với tôi: “Trước kia, làm bánh chủ yếu vào tháng Tám âm lịch phục vụ Trung thu bởi dân nghèo không có tiền mua bánh quanh năm. Nhưng khi đời sống người dân đã khá hơn, có thể ăn bánh quanh năm thì sản xuất không thể không đáp ứng”.

Từ chỗ chỉ là một cơ sở sản xuất nhỏ trong phạm vi gia đình, Tuấn vừa là ông chủ vừa là thợ chính, kiêm luôn người tiếp thị, giao hàng. Năm 1996, Tuấn bắt đầu mở rộng sản xuất, thuê thêm 20 nhân công để tăng sản lượng. Năm 2000, số công nhân lên đến con số 60 người, và hiện nay ngót nghét 300 người, chưa kể những người làm theo thời vụ.

Lương tháng của công nhân bình quân 1,5 triệu đồng/người. Công nhân có trang bị đồ bảo hiểm, bao cơm cả ngày, và được mua bảo hiểm.

Cuối năm 2006, Tuấn lại làm thiên hạ ngạc nhiên khi cho ra lò sản phẩm bánh pía nhân thịt nạc sấy được nhiều người ưa chuộng. Trong “sự nghiệp” làm bánh của  mình, Thái Tuấn đã được trao nhiều giải thưởng: Cúp vàng, Bàn tay vàng, Quả cầu vàng ở các kỳ hội chợ trong và ngoài nước.

Ước mơ của Thái Tuấn: “Làm cho bánh pía Sóc Trăng- Tân Huê Viên ngày càng được nhiều người ở nước ngoài biết đến”.

 

Thông tin liên hệ
  • Địa chỉ

    153 Quốc lộ 1A, ấp Phụng Hiệp, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng

  • Điện thoại

    (0299) 3623700 - (0299) 3821322 - (0299) 3622486

  • Email

    kinhdoanh1@banhpiatanhuevien.com hoặc salesoffice@banhpiatanhuevien.com (xuất khẩu)

Kết nối với chúng tôi